Tình huống hàng bán bị trả lại không quá xa lạ với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại. Vì vậy, cách định khoản hàng bán bị trả lại cũng là một trong những vấn đề mà kế toán cần quan tâm, để có thể hạch toán một cách chính xác khi tình huống này phát sinh. Cùng bài viết đi tìm hiểu về những lưu ý khi đi định khoản hàng bán bị trả lại.
1. Hàng bán trả bị lại là gì?
Hàng bán bị trả lại là những sản phẩm, hàng hóa đã được doanh nghiệp ghi nhận là tiêu thụ nhưng lại bị khách hàng trả về do không đáp ứng đúng các yêu cầu về chủng loại, phẩm chất, quy cách.
2. Những lưu ý khi định khoản hàng bán bị trả lại
Hàng bán bị trả lại là một trong những khoản làm giảm trừ doanh thu của doanh nghiệp và được hạch toán thông qua tài khoản 511 (nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 133) hoặc tài khoản 5212 (nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 200). Cụ thể như sau:
-
Đối với bên bán (Bên bị trả lại hàng)
Khi nhận được hàng bán trả lại thì kế toán căn cứ vào hóa đơn cùng các chứng từ kế toán liên quan để ghi nhận hàng bán bị trả lại như sau:
- Phản ánh giá vốn hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 155, 156…
Có TK 632
- Phản ánh doanh thu của hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 5212 (nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 200)
Nợ TK 511 (nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 133)
Nợ TK 3331
Có TK 111, 112, 131
-
Đối với bên mua (Bên trả lại hàng)
Khi trả lại hàng, kế toán bên mua hạch toán như sau:
Nợ TK 111, 112, 331
Có TK 152, 153, 156
Có TK 1331
Khi phát sinh tình huống hàng bán bị trả lại thì bên mua và bên bán sẽ định khoản nghiệp vụ đó như trên.
Tuy nhiên, kế toán cần lưu ý là không phải trường hợp nào hàng hóa bị trả về cũng sẽ hạch toán vào hàng bán bị trả lại. Chỉ có những trường hợp hàng hóa bị trả lại do bên bán vi phạm các cam kết trong hợp đồng kinh tế về chất lượng, chủng loại hoặc quy cách của hàng hóa. Còn trường hợp hàng trả về do bên bán xuất thừa thì không ghi nhận là hàng bán trả lại.
Đồng thời, bản chất của hàng bán trả lại là một khoản giảm trừ doanh thu nên đến cuối kỳ, kế toán phải kết chuyển toàn bộ phát sinh bên nợ của TK 5212 sang bên nợ của TK 511, nhằm đảm bảo doanh thu mà doanh nghiệp đạt được là đúng với thực tế phát sinh, cụ thể khi đó kế toán hạch toán như sau:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 5212 – Hàng bán trả lại
>> Tìm hiểu về: Giải pháp quản lý bán hàng trên Phần mềm quản lý bán hàng BRAVO
>> Xem thêm Hướng dẫn xuất hóa đơn trả lại hàng đúng quy định