manhom: 339 Điều kiện lên sàn chứng khoán của công ty cổ phần

Điều kiện lên sàn chứng khoán của công ty cổ phần

1775

Niêm yết trên sàn chứng khoán là một xu thế chung hiện nay với hầu hết các doanh nghiệp. Bởi việc niêm yết lên sàn chứng khoán sẽ tạo cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn, giúp mở rộng uy tín và giá trị của doanh nghiệp. Và, để đạt được điều đó thì trước hết các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được các điều kiện để lên sàn chứng khoán. Cùng bài viết đi tìm hiểu cụ thể về điều kiện lên sàn chứng khoán với loại hình công ty cổ phần.

1. Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn. Đây là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau, chính vì vậy mà loại hình doanh nghiệp này được gọi là công ty cổ phần. Và, để hình thành nên một công ty cổ phần thì cần có tối thiểu từ 3 cổ đông tham gia góp vốn.

2. Điều kiện để lên sàn chứng khoán của công ty cổ phần

Lên sàn chứng khoán là việc một doanh nghiệp được Sở giao dịch chứng khoán cho phép niêm yết và giao dịch một cách tập trung các chứng khoán được phát hành trên Sở giao dịch chứng khoán, khi doanh nghiệp đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện lên sàn mà Sở giao dịch chứng khoán đã quy định.

Với loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần thì cần thỏa mãn một số điều kiện sau để lên sàn chứng khoán:

Đầu tiên phải trở thành công ty đại chúng. Bởi theo quy định hiện hành của pháp luật về chứng khoán, thì cổ phiếu được giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán đều là cổ phiếu của một công ty cổ phần đã trở thành công ty đại chúng. Như vậy, có nghĩa là để một công ty cổ phần được lên sàn thì trước hết phải trở thành một công ty đại chúng. Và để đạt được điều đó thì công ty cổ phần phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và số lượng cổ đông. Cụ thể, về vốn điều lệ thực góp thì công ty cổ phần đó phải đạt ít nhất là 10 tỷ đồng, cùng với số lượng cổ đông tối thiểu là 100.

Song song với việc đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng, thì còn phải đảm bảo yêu cầu về vốn điều lệ (cụ thể là phải ở mức từ 80 tỷ đồng trở lên), về năng lực sản xuất kinh doanh (là phải có lãi 2 năm trước khi niêm yết), về tính đại chúng (là bên cạnh yêu cầu về số lượng cổ đông thì thêm điều kiện là có 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết) và cuối cùng là về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty là trong 6 tháng đầu tiên phải nắm giữ 100% cổ phiếu, còn từ 6 tháng tiếp theo kể từ ngày niêm yết thì chỉ cần là 50% cổ phiếu.

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, công ty cổ phần phải nộp đúng và đủ bộ hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bộ hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm:

  • Điều lệ công ty;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty;
  • Thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông;
  • Báo cáo tài chính năm gần nhất.

Nhằm giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nắm bắt được những thông tin cơ bản về đặc điểm và tình hình hoạt động của công ty cổ phần.

>> Bài viết liên quan: Quản lý tài chính doanh nghiệp trên phần mềm kế toán tổng hợp BRAVO
>> Tham khảo: Những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp