Vấn đề tối ưu chi phí kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm nâng cao tính cạnh tranh luôn là một bài toán đem lại nhiều khó khăn cho người quản lý. Để có lời giải cho bài toán đó, cần xác định được chính xác chi phí kinh doanh trong doanh nghiệp mình bao gồm những gì?
1. Khái niệm chi phí kinh doanh là gì?
Chi phí kinh doanh được hiểu đơn giản là toàn bộ những chi phí về tài chính doanh nghiệp cần phải bỏ ra để chi trả cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kinh doanh. Ngoài ra đó còn là những khoản thuế phí, hao phí về vật chất, tinh thần một cách trực tiếp hoặc gián tiếp của quá trình kinh doanh. Để kiểm soát chi phí kinh doanh một cách tốt nhất, doanh nghiệp sẽ thực hiện thống kê, tổng hợp và hạch toán theo kỳ, trong những khoảng thời gian cố định. Chi phí kinh doanh phụ thuộc vào 2 yếu tố:
- Khối lượng của nguyên vật liệu cần sử dụng và số lượng lao động, nhân công.
- Giá cả của tư liệu sản xuất và nguồn lao động tại mỗi thời điểm.
2. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp gồm những gì?
2.1 Chi phí hoạt động kinh doanh
Chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bao gồm các khoản chi phí liên quan đến hoạt động Sản xuất hoặc nhập hàng; Bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ sẽ bao gồm những chi phí cụ thể sau:
- Giá vốn hàng bán:
Đối với doanh nghiệp thương mại thì đây là tổng giá mua thực tế cũng như các chi phí liên quan về vận chuyển, kho bãi và các chi phí khác cho đến khi nhập kho của số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp bán ra trong kỳ.
Trong doanh nghiệp sản xuất, giá vốn hàng bán chính là giá thành sản xuất sản phẩm, bao gồm: Chi phí mua nguyên vật liệu; Chi phí nhân công trực tiếp; Chi phí sản xuất chung (là những chi phí về nhân viên và quản lý chung tại các bộ phận khác liên quan gián tiếp đến hoạt động sản xuất; chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài/thuê ngoài,…)
- Chi phí bán hàng: là toàn bộ những chi phí liên quan đến quá trình cung ứng hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tới tay khách hàng. Bao gồm các khoản chi phí liên quan đến: chào hàng, quảng bá, sản phẩm; Chi phí bảo hành sản phẩm; Chi phí chiết khấu bán hàng; Chi phí bảo quản, đóng gói và vận chuyển,...
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: bao gồm những khoản chi phí liên quan đến hoạt động chung để tổ chức và vận hành doanh nghiệp mà không liên quan đến hoạt động sản xuất hay bán hàng. Ví dụ là những khoản chi phí về: đăng ký kinh doanh, tiền thuê mặt bằng, chi phí đóng bảo hiểm nhân viên, chi phí điện nước, chi phí gửi xe và các chi phí khác.
2.2. Chi phí hoạt động tài chính
Chi phí hoạt động tài chính là các khoản chi của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động tài chính nhằm mục đích sinh lời gia tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Bao gồm:
- Khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán.
- Khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá ngoại tệ và bán ngoại tệ.
- Chi phí cho thuê tài sản, kể cả giá trị hao mòn tài sản cố định cho thuê.
- Chi phí cho vay và đi vay vốn.
- Chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết như chi phí vận chuyển tài sản đi góp vốn, chi phí hội họp liên doanh, lỗ trong liên doanh,...
- Chi phí phát sinh trong quá trình bán chứng khoán, các khoản lỗ trong đầu tư.
- Chi phí hoạt động tài chính khác.
2.3. Chi phí kinh doanh khác
Thường những khoản chi phí phát sinh không thường xuyên do các sự kiện hoặc sự cố riêng biệt. Thường là những khoản chi phí sau:
- Chi phí thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
- Chi phí tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế.
- Chi phí cho việc thu hồi nợ đã xóa sổ kế toán.
- Những chi phí bất thường khác.
Thông qua việc nắm bắt chi tiết về từng khoản mục chi phí kinh doanh, người quản trị sẽ có chiến lược tối ưu hiệu quả và nâng cao hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
>>> Những thông tin quan trọng về sản phẩm dở dang trong doanh nghiệp
>> Giải pháp quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp vừa và lớn.