manhom: 369 Tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thực sự cần thiết?

Tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thực sự cần thiết?

667

Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các rủi ro có thể gặp phải cũng như để nhận được các phúc lợi từ phía chính phủ, thì người dân sẽ thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, vẫn có những thắc mắc đặt ra là có thực sự nên đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? Cùng bài viết đi tìm hiểu để có được câu trả lời thỏa đáng nhất.

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người dân tự nguyện tham gia và được chủ động trong việc lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với khả năng tài chính của mình cũng như để nhận được đúng mức hưởng bảo hiểm mà mình mong muốn. Đây được coi như một trong những chính sách phúc lợi mà Nhà nước đưa ra để hỗ trợ người dân có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

2. Có nên đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?

Dù được coi là một trong những chính sách hỗ trợ cho người dân có thêm cơ hội được hưởng các chế độ từ phía nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều thắc mắc về việc có thực sự nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? Bài viết sẽ đi trình bày rõ hơn một số thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện để các bạn đọc có được câu trả lời phù hợp nhất với bản thân mình.

Nếu như bảo hiểm xã hội bắt buộc là áp dụng với các đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân,… Những đối tượng này chắc chắn là được tham gia bảo hiểm xã hội, người sử dụng các lao động trên bắt buộc phải làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội cho họ. Tuy nhiên, cũng sẽ có những đối tượng không thuộc danh sách trên, khi đó để tạo điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội cho họ thì nhà nước đã đưa ra thêm một loại hình bảo hiểm xã hội, đó là bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội dành cho các đối tượng không thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, và chỉ cần đủ từ 15 tuổi là đủ điều kiện tham gia.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động được chủ động lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân mà vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của nhà nước. Cụ thể, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người dân sẽ được hưởng lương hưu theo quy định, được trợ cấp một lần và tử tuất, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để hưởng đầy đủ các quyền lợi trong khám, chữa bệnh như những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

>> Tìm hiểu: Các khoản phụ cấp không phải đóng bảo hiểm xã hội

Và để được hưởng các chế độ trên thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thực hiện đóng tiền bảo hiểm vào hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm hoặc định kỳ 5 năm một lần, với mức đóng hàng tháng bằng 22% thu nhập do người tham gia bảo hiểm tự lựa chọn, đồng thời nằm trong khoảng từ chuẩn hộ nghèo của nông thôn đến tối đa là 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm bắt đầu tham gia.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội thì Chính phủ đã đưa ra thêm Nghị định 134/2015/NĐ-CP, áp dụng bắt đầu từ năm 2016 là nếu người tham gia có thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng hương hưu, việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. Và ngay khi thời gian đóng BHXH là đủ 20 năm thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Còn nếu người đó muốn dừng tham gia BHXH tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hoặc gặp bất trắc qua đời thì sẽ được BHXH trả lại một phần số tiền đã đóng trước đó, khoản tiền được nhận lại tuỳ thuộc vào thời gian tham gia và mức đóng.

Như vậy, không chỉ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng các chế độ về bảo hiểm, hưu trí như người tham gia BHXH bắt buộc, mà nếu người tham gia BHXH tự nguyện có gặp rủi ro, qua đời thì người thân của họ cũng được hưởng một phần phúc lợi là phần tiền được hoàn lại từ việc đóng BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, với những trường hợp khó khăn như các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay lao động tự do còn được Chính phủ hỗ trợ một phần tiền BHXH phải đóng, từ 10% đến 30%.

Có thể thấy, dù không được hưởng chế độ về ốm đau, thai sản hay bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động nhưng BHXH tự nguyện đã đem lại lợi ích to lớn cho những người nông dân, kinh doanh tự phát hay lao động tự do khi họ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Do vậy, BHXH tự nguyện chính là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức vì mục tiêu an sinh xã hội, giúp người dân giảm bớt gánh nặng nỗi lo về an sinh hay cuộc sống khi về già, với mức đóng góp trong phạm vi khả năng của bản thân và khoản tiền tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước đảm bảo.

>> Tham khảo: Phần mềm quản lý nhân sự, tiền lương, Bảo hiểm xã hội
>> Xem thêm: Những quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội mọi người cần biết